Giới thiệu Kỷ yếu của Hội thảo Quốc gia GRS 2017

Năm 2017, lần đầu tiên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức một sự kiện khoa học, một “sân chơi khoa học” riêng cho những cán bộ trẻ. Đó là Hội thảo khoa học quốc gia dành cho học viên và nghiên cứu sinh lần thứ nhất (GRS 2017).

Trong suốt quá trình chuẩn bị cho Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nghiên cứu sinh và học viên cao học trong cả nước với rất nhiều bài viết chất lượng, trongđó có gần 70 báo cáo được Hội đồng thẩm định thông qua và công bố trong Kỷ yếu này. Có thể tóm lược về các báo cáo gửi tới hội thảo lần này bằng 2Đ (hai chữ Đ) là đa dạng và đổi mới.

2017-08-14_17-12-36

Kỷ yếu của Hội thảo Quốc gia GRS 2017

Trước hết là sự đa dạng về đề tài nghiên cứu. Việc giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ truyền thống như nói, nghe, đọc, viết tiếp tục là đề tài của nhiều báo cáo, chẳng hạn như bài của Nguyễn Thị Hồng Hạnh về cách dạy phát âm cho sinh viên năm thứ nhất, bài của Hoàng Thị Ngọc Lan về kỹ năng viết dựa vào thể loại, bài của Võ Thị Quỳnh Như về kỹ năng đọc hiểu, hoặc các nghiên cứu ứng dụng phương thức dạy học theo nhiệm vụ, khai thác tài liệu nghe nhìn thực tế như phim ảnh, v.v. Phương pháp nào để tăng cường tính tự chủ và động cơ học tập ngoại ngữ của người học trình là mảng đề tài thứ hai thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả, trong đó có việc nghiên cứu để xây dựng mô hình dạy-học ngoại ngữ gắn với sinh kế – một trong những động cơ rất quan trọng và hiệu quả trong việc học ngoại ngữ của người học, tiêu biểu như bài của tác giả Đỗ Thị Anh Thư về cơ hội học tập nhằm thúc đẩy người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc tự học tiếng Anh như một phương tiện sinh kế. Bên cạnh những báo cáo về giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành là những nghiên cứu về việc sử dụng ngoại ngữ làm phương tiện giảng dạy các môn chuyên môn, một trong những chủ trương gần đây của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cũng như nhiều đơn vị đào tạo nhằm tăng cường và nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của sinh viên cũng như giáo viên. Việc đánh giá sách giáo khoa, giáo trình, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ cũng là những đề tài được nhiều học viên thực hiện, chẳng hạn như báo cáo của Nguyễn Thị Thu Hà Những thách thức trong việc áp dụng Khung tham chiếu châu Âu CEFR vào thực hiện chương trình đào tạo tiếng Anh tại một trường đại học khối kỹ thuật ở Hà Nội, báo cáo của NCS Nguyễn Thị Quỳnh Yến về xác định tính giá trị của đề thi VSTEP3-5. Nghiên cứu về các ngôn ngữ mà học viên, nghiên cứu sinh đang giảng dạy chiếm tỉ lệ đáng kể trong các báo cáo, tiếp đến là các bài viết về văn hoá, văn học và dịch thuật cũng như những nghiên cứu về căn tính nghề nghiệp (professional identity) của giáo viên ngoại ngữ, cách thức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hiệu quả cho giáo viên ngoại ngữ.  Có thể thấy mối quan tâm nghiên cứu của các báo cáo thật sự phong phú nên ở đây chúng tôi không thể kể ra hết được.

Đa dạng về thành phần tham gia là phương diện thứ hai của Hội thảo lần này. Ban tổ chức thật sự vui mừng được chào đón các nghiên cứu sinh và học viên cao học suốt chiều dài của dải đất hình chữ S của chúng ta đến tham dự và báo cáo tại Hội thảo, trong đó có gần 70 báo cáo in trong Kỷ yếu này.

Phương diện thứ ba của sự đa dạng trong các báo cáo là về phương pháp tiếp cận, và đây cũng là những biểu hiện của sự đổi mới trong xu hướng nghiên cứu. Không chỉ ứng dụng những phương pháp truyền thống, nhiều tác giả đã nỗ lực ứng dụng những cách tiếp cận mới, thành tựu mới của Phân tích diễn ngôn phê phán, Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, Ngôn ngữ học tri nhận, Lý thuyết hội thoại, v.v., kể cả những tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, trong nghiên cứu hoặc thực tiễn giảng dạy của mình. Trong Kỷ yếu, độc giả có thể tìm hiểu các bài viết như Phân tích diễn ngôn phê phán: sự kì thị giới tính về mặt hình ảnh trong sách giáo khoa tiếng Anh trung học phổ thông (Trần Thị Bích Ngọc), Ngữ nghĩa từ vị Time tiếng Anh và phương tiện biểu đạt khả chấp trong tiếng Việt (Đỗ Tuấn Long), Biến video trên Facebook thành công cụ tự học, tự luyện nói cho sinh viên không chuyên tiếng Anh (Đỗ Thị Hương) và nhiều bài viết khác.

Có thể nói thêm rằng chưa phải tất cả các báo cáo đều đạt chất lượng, kết quả khoa học như nhau; vẫn có nhiều điều cần các tác giả phải dụng công hơn nữa, nhiều nhược điểm cần khắc phục hơn nữa, nhưng đối với nghiên cứu sinh và học viên cao học – những cán bộ khoa học trẻ đang vững bước tiến vào con đường khoa học – thì đây là những nỗ lực rất đáng mừng và cần được khuyến khích. Ban tổ chức mong muốn những hội thảo GRS sau tiếp tục nhận được những bài viết chất lượng cao hơn, có nhiều đóng góp mới mẻ và giá trị hơn của nghiên cứu sinh và học viên cao học trên toàn quốc.

Kỷ yếu của GRS 2017 là công sức và tâm huyết không chỉ của các báo cáo viên mà còn của cả Ban tổ chức hội thảo, Ban xét duyệt đề tài. Với nội dung đa dạng về lĩnh vực ngoại ngữ, đây là nguồn tài liệu tham khảo chất lượng dành cho độc giả quan tâm.

ULIS Media