Nghiên cứu khoa học – Niềm đam mê không ngừng nghỉ tại ULIS
Với tôn chỉ phát triển thành một đại học định hướng nghiên cứu có uy tín trong khu vực về các lĩnh vực như giáo dục ngoại ngữ, nghiên cứu ngôn ngữ học, quốc tế học và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn liên quan, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học.
Hàng năm, Trường đều đầu tư kinh phí đáng kể cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và thúc đẩy nghiên cứu trong đội ngũ giảng viên, cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên. Các hội thảo khoa học quốc gia, ngày hội sinh viên nghiên cứu – sáng tạo – khởi nghiệp ULIS FIRE (viết tắt tên tiếng Anh của ngày hội là ULIS Festival of Innovation – Research – Entrepreneurship), hội thảo khoa học quốc gia dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh đã trở thành những hoạt động thường niên thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, học viên và sinh viên trong và ngoài Trường.
Bên cạnh đó, những tọa đàm và trao đổi khoa học cũng được tổ chức thường xuyên và đặc biệt là hoạt động của tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài với tư cách là tạp chí độc lập trực thuộc Trường đã đóng vai trò đáng kể trong sự phát triển mạnh mẽ của công tác khoa học ở Trường những năm gần đây. Số lượng, chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được nâng cao. Các công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ đã đạt hoặc tiệm cận trình độ quốc tế, có khả năng ứng dụng và triển khai, có tính hiệu quả về mặt kinh tế xã hội, làm nền tảng cho đào tạo chất lượng cao.
Với nhân lực KHCN và cơ sở vật chất ngày một phát triển, Trường cũng mạnh dạn đặt ra nhiều chỉ tiêu lớn về đề tài, sản phẩm, công trình khoa học các cấp trong kế hoạch nhiệm vụ hàng năm. ULIS quy tụ nhiều thầy cô có đam mê, hoài bão và tình yêu khoa học cháy bỏng. Bền bỉ qua năm tháng, các thầy cô vẫn miệt mài nghiên cứu và cống hiến, thể hiện qua nhiều đề tài, công trình nghiên cứu cũng như ấn phẩm của mình.
Trong khuôn khổ bài viết lần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả về một số gương mặt thầy cô có thành tích nổi bật về khoa học công nghệ của trường với mong muốn truyền ngọn lửa nghiên cứu khoa học đến các cán bộ, học viên, sinh viên trong Trường.
1.Thầy Huỳnh Anh Tuấn (Khoa Sau Đại học)
Coi “Nghiên cứu khoa học là để đóng góp cho xã hội, đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục ngoại ngữ của Việt Nam”, TS. Huỳnh Anh Tuấn – Trưởng khoa Sau Đại học là một trong những tấm gương tiêu biểu về đam mê nghiên cứu và có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong năm học 2016-2017, thầy có số điểm về hoạt động khoa học công nghệ cao nhất toàn trường.
Từng giữ cương vị Phó Ban biên tập Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Nước ngoài, thầy Huỳnh Anh Tuấn luôn coi nghiên cứu khoa học là một trong những đam mê của cuộc đời mình. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng, thầy Huỳnh Anh Tuấn học tiếp lên Thạc sĩ tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Với mong muốn nâng cao kiến thức, thầy tiếp tục học Tiến sĩ tại Đại học Southampton, Vương quốc Anh. Trong quá trình công tác, thầy đã có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, tham dự và đóng góp nhiều báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế và trong nước.
Thầy Huỳnh Anh Tuấn cũng đã và đang tham gia 6 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp trường, cấp ĐHQGHN và các nhiệm vụ thuộc Đề án NNQG 2020, trong đó tiêu biểu là các đề tài: Nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh cho sinh viên thuộc chương trình đào tạo Nhiệm vụ chiến lược tại ĐHQGHN, Xây dựng mô hình cộng đồng học tập tiếng Anh theo sinh kế cho các tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc, và các đề tài do GS. Nguyễn Hòa chủ trì: Xây dựng công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh từ Bậc 3 đến 5 theo Khung Tham chiếu Châu Âu (VSTEP.3-5), Xây dựng công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh Bậc 2 dành cho người Việt Nam (VSTEP.2), Xây dựng công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh Bậc 1 (VSTEP.1) và Bậc 3 (VSTEP.3) dành cho người Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động giảng dạy, tham gia các đề tài, thầy còn hướng dẫn cho hàng chục học viên cao học và nghiên cứu sinh của trường. Ngoài ra, thầy Huỳnh Anh Tuấn còn đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học trường ở vai trò Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu Khoa học Sau đại học. Hiện tại, với mong muốn tạo điều kiện cho các học viên cao học nghiên cứu khoa học, thầy cũng đang tham gia công tác tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh lần đầu tiên vào ngày 11/08 sắp tới. Ngoài chuyên môn tiếng Anh giỏi, niềm đam mê với khoa học không ngừng nghỉ, sự nhiệt tình và vui vẻ nhưng cũng nghiêm khắc trong giảng dạy là điều khiến các học viên cao học và nghiên cứu sinh quý mến thầy Huỳnh Anh Tuấn.
2.Thầy Phạm Ngọc Hàm (Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Trung Quốc)
Là Phó Giáo sư đầu tiên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Việt Nam, thầy Phạm Ngọc Hàm của Khoa NN & VH Trung Quốc nổi tiếng trong toàn ULIS bởi vốn hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc sâu rộng, niềm đam mê văn thơ cũng như tinh thần say mê với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thầy bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung Quốc tại khoa Tiếng Trung, Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐHNN – ĐHQGHN) vào năm 1976 và trở thành giảng viên tại Khoa NN & VH Trung Quốc từ năm 1993. Vượt qua nhiều khó khăn để đứng vững trên giảng đường đại học, khẳng định bản thân trong giới trí thức Thủ đô, Thầy vừa giảng dạy, vừa học tập, nghiên cứu, phấn đấu không mệt mỏi và nhận học vị Thạc sĩ (2000), học vị Tiến sĩ (2005) tại Trường ĐHKHXH & NV, được phong chức danh Phó Giáo sư (2009).
Từ khi học xong Cao học, Thầy đã bắt đầu tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, Thầy đã xuất bản được 3 cuốn chuyên khảo “Từ ngữ xưng hô tiếng Hán – so sánh với tiếng Việt” (2008), “Chữ Hán: Chữ và nghĩa” (2012), “Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” (2016); Giáo trình “Tiếng Hán cổ đại” (2015) dành cho hệ đào tạo cử nhân tiếng Trung Quốc; Giáo trình “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học tiếng Trung Quốc” viết chung với tiến sỹ Ngô Minh Nguyệt (2017) dành cho hệ đào tạo Sau đại học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và một cuốn sách tham khảo, dịch từ tiếng Trung Quốc mang tên “Lễ” dài 431 trang, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2016. Cho đến nay, Thầy đã hoàn thành đúng hạn 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia, 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường Đại học Ngoại ngữ, đều xếp loại khá, tốt và công bố 40 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành; 5 bài tham luận tại các hội thảo quốc gia; 3 bài tham luận tại hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Ngoài ra, Thầy đã tham dự và báo cáo tham luận tại hội thảo quốc tế tổ chức tại Đại học Văn Tảo, Đài Loan (2007) và Diễn đàn Besetoha tại Bắc Kinh, Trung Quốc (2012). Trong công tác đào tạo, Thầy đã hướng dẫn thành công 43 học viên cao học và 2 NCS tiến sỹ tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN; 3 học viên cao học tại Đại học Hà Nội; 1 NCS tiến sỹ tại cơ sở đào tạo Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đặc biệt, hai năm gần đây Thầy đều được khen thưởng vì có thành tích cao trong hoạt động khoa học công nghệ của Trường.
Vẫn miệt mài, không ngừng nghỉ với hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm mục đích “thứ nhất là hoàn thiện mình, nâng cao kiến thức và chất lượng bài giảng; thứ hai là hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu Nhà trường giao”, và dù đã đạt được “kho” thành tích đáng tự hào, Thầy vẫn cảm thấy đó chưa thể coi là nhiều mà còn là quá ít so với chặng đường hơn 30 năm theo nghề dạy học. Tình yêu với bảng đen phấn trắng và nghiên cứu khoa học của Thầy chắc chắn sẽ tiếp lửa cho rất nhiều thế hệ học trò noi theo.
- Cô Hoàng Thị Yến (Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc)
Sau khi tốt nghiệp Trường CĐSP Hà Nội, cô Hoàng Thị Yến vừa giảng dạy tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám vừa theo học chuyên ngành NN & VH Hàn Quốc tại Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN. Với thành tích học tập xuất sắc, cô đã được tuyển vào làm giảng viên tại Khoa NN&VH Hàn Quốc (trước là Bộ môn tiếng Hàn) tại Trường ĐHNN vào năm 1997. Trong quá trình giảng dạy, với đam mê học hỏi, cô Hoàng Thị Yến tiếp tục học lên Thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Hàn tại Đại học nữ Ewha (Hàn Quốc) và Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Học viện KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN.
TS. Hoàng Thị Yến là một trong những gương mặt nữ tiêu biểu của ULIS đam mê nghiên cứu khoa học. Cô đã 3 lần được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học trong các năm học 2001-2002, 2013-2014, 2015-2016. Năm học 2016-2017, cô được tuyên dương là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở vì 2 năm liền có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Từ khi bắt đầu nghiên cứu đến nay, TS. Hoàng Thị Yến đã chủ trì 02 đề tài cấp cơ sở, 02 đề tài cấp ĐHQG, tham gia 01 đề tài cấp Bộ, có 32 bài báo đăng trong tạp chí chuyên ngành trong nước, đóng góp 13 tham luận trong các hội thảo trong và ngoài nước và 18 tham luận hội thảo quốc gia. Đây là những thành tích đáng nể với bất kỳ cán bộ nghiên cứu nào, nhất là với các cán bộ nữ.
“Nghiên cứu là con đường tự học mang lại hiệu quả cao và toàn diện, tuy nhiều khó khăn, vất vả nhưng giúp bản thân chúng ta tu dưỡng phẩm chất đạo đức và phát triển trí tuệ” là châm ngôn và cũng là kim chỉ nam mà cô Hoàng Thị Yến theo đuổi trong suốt quá trình làm nghiên cứu.
4.Cô Vũ Thị Thanh Nhã (Khoa Tiếng Anh)
Nói đến tình yêu khoa học của phái nữ ULIS thì không thể không kể đến TS. Vũ Thị Thanh Nhã – Trưởng khoa Tiếng Anh. Cô Nhã sinh năm 1979, công tác tại ĐHQGHN từ năm 2002 và bắt đầu làm việc tại Trường Đại học Ngoại ngữ từ năm 2009.
Vốn có niềm đam mê với sư phạm, với tiếng Anh và cả với khoa học, cô luôn miệt mài vừa giảng dạy và vừa nghiên cứu khoa học. Cô thường xuyên tham gia và tổ chức các hoạt động nghiên cứu về giảng dạy tiếng Anh trong và ngoài trường như hội thảo Edcamp, các khóa học MOOCs, Hội thảo quốc tế Diễn đàn các nhà lãnh đạo nữ của Chương trình sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông…
Bên cạnh đó, cô cũng tham gia nghiên cứu nhiều đề tài lớn. Hiện tại, cô Nhã cũng đang thực hiện một đề tài cấp ĐHQGHN. Cô Vũ Thị Thanh Nhã cũng đã đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở năm học 2014-2015, 2015-2016 và “Chiến sĩ thi đua” cấp ĐHQGHN năm học 2016-2017. Chính bởi những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, TS. Vũ Thị Thanh Nhã đã được vinh danh trong Lễ vinh danh và trao thưởng các nhà khoa học nữ tiềm năng năm 2017 của ĐHQGHN.
Lệ Thủy-Việt Khoa-Lâm Quang Đông/ULIS Media