Thông báo tổ chức đào tạo các học phần ngoại ngữ thuộc khối kiến thức chung và xác định chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường Đại học Ngoại ngữ thông báo tổ chức đào tạo các học phần ngoại ngữ thuộc khối kiến thức chung và xác định chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định số 1011/HD-ĐHQGHN ngày 23 tháng 03 năm 2023 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cụ thể:

>>> Tải văn bản hướng dẫn số 1011/HD-ĐHQGHN bao gồm các phụ lục tại đây

  1. Nguyên tắc chung

1.1. Các học phần ngoại ngữ thuộc khối kiến thức chung (sau đây gọi là các học phần ngoại ngữ) do Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) đảm nhận; đối với đơn vị có ngành/khoa/bộ môn đào tạo ngoại ngữ được phép tổ chức giảng dạy, báo cáo Giám đốc ĐHQGHN trước khi thực hiện.

1.2. Các học phần ngoại ngữ được tổ chức đào tạo trong các chương trình đào tạo (CTĐT) ở ĐHQGHN bao gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, tiếng Lào và tiếng

Thái Lan, chi tiết quy định tại Phụ lục 1 Hướng dẫn này. Trong trường hợp đơn vị đào tạo có nhu cầu tổ chức giảng dạy ngoại ngữ khác, đơn vị có văn bản đề nghị Giám đốc ĐHQGHN xem xét, quyết định.

1.3. Các học phần ngoại ngữ trong CTĐT đại học là học phần bắt buộc sinh viên phải tích lũy và được tổ chức đào tạo chung trong toàn ĐHQGHN. Kết quả đánh giá các học phần ngoại ngữ được tính vào điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung các học phần, điểm trung bình chung tích lũy. Số tín chỉ các học phần ngoại ngữ bắt buộc trong các CTĐT đại học là Ngoại ngữ B1: 5 tín chỉ (dành cho CTĐT chuẩn), Ngoại ngữ B2: 5 tín chỉ (dành cho CTĐT tài năng, chất lượng cao).

1.4. Sinh viên thuộc CTĐT yêu cầu chuẩn đầu ra (CĐR) bậc 3 phải tích luỹ học phần Ngoại ngữ B1. Sinh viên thuộc CTĐT yêu cầu CĐR bậc 4 phải tích luỹ học phần Ngoại ngữ B1 và B2. Sinh viên được coi là hoàn thành các học phần ngoại ngữ khi tích luỹ đủ các học phần bắt buộc và có điểm học phần ở mức đạt theo quy định tại Quy chế 3626.

1.5. CĐR về ngoại ngữ của sinh viên được ghi nhận bằng các chứng chỉ hợp lệ (Phụ lục 2

– Sinh viên nộp chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng CĐR theo yêu cầu của CTĐT trong vòng 30 ngày kể từ khi nhập học, được xét công nhận đạt CĐR và được miễn học, miễn thi và được chuyển đổi điểm tương đương của học phần ngoại tương ứng trong khối kiến thức chung, cụ thể: bậc 3 tương đương 9 điểm, bậc 4 tương đương 10 điểm (theo thang điểm 10). Riêng đối với khóa QH-2022, sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ nộp trước ngày 01/05/2023 để được công nhận tương đương theo quy định.

– Sau thời gian trên và trong thời gian của khóa học, sinh viên nộp chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng CĐR theo yêu cầu của CTĐT chỉ được xét công nhận đạt CĐR (không được miễn học, miễn thi và quy đổi điểm).

1.6. Vào đầu khóa học, khuyến khích sinh viên các CTĐT đại học tham gia thực hiện bài thi sát hạch trình độ trên hệ thống trực tuyến của Trường ĐHNN để đăng ký học học phần ngoại ngữ phù hợp.

1.7. Học phần ngoại ngữ trong CTĐT thạc sĩ là học phần bắt buộc học viên phải tích lũy, được đánh giá mức đạt hoặc không đạt. Học phần ngoại ngữ được đánh giá đạt nếu học viên đạt điểm thi học phần từ C trở lên hoặc học viên đạt CĐR theo Quy chế 3636. Số tín chỉ học phần ngoại ngữ trong CTĐT thạc sĩ là Ngoại ngữ B2 (SĐH): 5 tín chỉ, được tính vào số tín chỉ tích lũy trong CTĐT nhưng không dùng để tính điểm trung bình chung tích lũy.

1.8. Giá trị tích lũy các học phần ngoại ngữ được thực hiện thông qua các hoạt động dạy – học trên lớp, hoạt động tự tích lũy của sinh viên, học viên, nhằm hướng tới việc đạt CĐR về trình độ ngoại ngữ quy định tại Quy chế 3626 và Quy chế 3636.

1.9. Yêu cầu CĐR về trình độ ngoại ngữ của các CTĐT đại học quy định tại khoản 3, Điều 13, Quy chế 3626; các CTĐT thạc sĩ quy định tại khoản 2 Điều 35 Quy chế 3636, các CTĐT tiến sĩ quy định tại khoản 8 Điều 9 Quy chế 3638. Các hình thức xác định CĐR về trình độ ngoại ngữ được quy định tại mục 3 Hướng dẫn này.

  1. Đề cương học phần và tổ chức đào tạo

2.1. Đề cương học phần

Trường ĐHNN có trách nhiệm biên soạn, thẩm định đề cương các học phần ngoại ngữ thuộc khối kiến thức chung trong CTĐT đại học, thạc sĩ và chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy các học phần do đơn vị đảm nhận. Ngoài các yêu cầu như đề cương học phần chung, đề cương học phần Ngoại ngữ B1, B2 phải đảm bảo có nội dung tương ứng với mô tả yêu cầu về năng lực ngoại ngữ bậc 3 và bậc 4 mà người học cần đạt được trong KNLNNVN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (Phụ lục 4). Ngoài các học phần ngoại bắt buộc, Trường ĐHNN tổ chức biên soạn và giới thiệu các đề cương học phần khác đáp ứng nhu cầu của người học và các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN.  

2.2. Tổ chức đào tạo

2.2.1. Tổ chức đào tạo ở bậc đại học

  1. a) Trường ĐHNN tổ chức bài thi sát hạch trình độ vào đầu năm học theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính, nhằm phân loại năng lực ngoại ngữ của người học. Sinh viên được khuyến khích thực hiện bài thi này để đăng ký học phần phù hợp.
  2. b) Trong 2 năm đầu của khóa học, sinh viên phải hoàn thành các học phần ngoại ngữ trong CTĐT để có thể sử dụng ngoại ngữ phục vụ học tập và nghiên cứu. Riêng sinh viên khóa QH2022 thời gian hoàn thành các học phần ngoại ngữ là 3 năm đầu của khóa học.
  3. c) Bên cạnh các học phần Ngoại ngữ B1 và B2, Trường ĐHNN có thể thiết kế thêm các học phần ngoại ngữ theo các mức độ phân loại năng lực của người học, nhằm phục vụ nhu cầu của các đối tượng sinh viên khác nhau. Các đơn vị đào tạo phối hợp với Trường ĐHNN tổ chức các lớp học nói trên trong trường hợp người học có nhu cầu và tự nguyện.
  4. d) Trường ĐHNN phối hợp với các đơn vị đào tạo quản lý sinh viên, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp học phần ngoại ngữ linh hoạt về thời gian và hình thức tổ chức, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên có thể tham gia vào các học phần đào tạo chính khóa trong thời gian 2 năm đầu của khóa học.

Các đơn vị đào tạo quản lý sinh viên có trách nhiệm phối hợp với Trường ĐHNN trong việc bố trí thời gian, cơ sở vật chất để tổ chức giảng dạy các học phần ngoại ngữ.

đ) Lớp học phần ngoại ngữ có số lượng sinh viên tối thiểu là 30 người, tối đa là 45 người.

  1. e)  Các học phần ngoại ngữ chuyên ngành (nếu có) được tổ chức giảng dạy như các học phần phải tích lũy tín chỉ khác trong CTĐT.
  2. g) Đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học, cách thức tổ chức đào tạo các học phần ngoại ngữ do Thủ trưởng đơn vị đào tạo quy định nhưng phải phù hợp với quy chế đào tạo đại học, đáp ứng CĐR của CTĐT và các quy định liên quan của ĐHQGHN và của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2.2. Tổ chức đào tạo bậc sau đại học

  1. a) Trường ĐHNN tổ chức giảng dạy các lớp học phần ngoại ngữ theo đề nghị của đơn vị quản lý học viên, tối thiểu trước 6 tháng tính đến khi hết thời hạn học tập; lớp học phần ngoại ngữ có số lượng học viên tối thiểu là 30 người đối với lớp tiếng Anh, 15 người đối với các lớp ngoại ngữ khác và tối đa là 45 người; Trường ĐHNN tổ chức thi hết học phần và gửi kết quả tới đơn vị quản lý học viên.
  2. b)  Các đơn vị quản lý học viên có trách nhiệm phối hợp với Trường ĐHNN trong việc bố trí thời gian, cơ sở vật chất để tổ chức giảng dạy các học phần ngoại ngữ.
  3. c)  Học viên có các minh chứng về năng lực ngoại ngữ đạt CĐR được xét miễn học và công nhận CĐR ngoại ngữ. Kết quả công nhận CĐR có giá trị trong toàn khóa học.
  4. Xác định chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ

3.1. Để được công nhận đạt CĐR về trình độ ngoại ngữ, sinh viên, học viên nộp cho đơn vị đào tạo minh chứng về trình độ ngoại ngữ phù hợp với CĐR của CTĐT. Căn cứ minh chứng của người học, các đơn vị đào tạo tiến hành thẩm định trước khi ra quyết định công nhận tốt nghiệp.

Người học có thể nộp minh chứng CĐR vào bất cứ thời điểm nào trong thời gian đào tạo của khóa học. Các chứng chỉ ngoại ngữ phải còn giá trị sử dụng tại thời điểm nộp. Minh chứng trình độ ngoại ngữ được xác định bằng một trong các loại sau đây:

  1. a) Chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng với yêu cầu về CĐR của CTĐT theo KNLNNVN cấp bởi các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN công nhận; danh sách các chứng chỉ ngoại ngữ được ĐHQGHN công nhận tại Phụ lục 2 hướng dẫn này; danh sách các tổ chức, cơ sở đào tạo trong nước cấp chứng chỉ được ĐHQGHN công nhận tại Phụ lục 3 Hướng dẫn này.
  2. b) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;
  3. c) Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;
  4. d) Người dự tuyển bậc sau đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài phải có năng lực về ngôn ngữ tiếng nước ngoài khác ở trình độ tương đương như quy định tại điểm a, b, c nêu trên.

3.2. Học viên cao học có minh chứng xác nhận năng lực ngoại ngữ phù hợp với CĐR của CTĐT và phù hợp với chuẩn đầu vào đã xác định do một trường đại học trong nước đào tạo trình độ đại học ngành ngoại ngữ tương ứng hoặc các trung tâm khảo thí ngoại ngữ trong nước cấp được ĐHQGHN công nhận. Trường hợp học viên gia hạn, thời hạn chứng chỉ ngoại ngữ tính từ ngày thi đến ngày nộp hồ sơ đề nghị bảo vệ luận văn.

3.3.Với các trường hợp quy định tại mục 3.1 của Hướng dẫn này, người học phải nộp bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ cho đơn vị đào tạo để thẩm định; Thủ trưởng đơn vị quản lý người học chịu trách nhiệm thẩm định tính xác thực của văn bằng, chứng chỉ và ra quyết định công nhận đạt CĐR về trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên, học viên có văn bằng, chứng chỉ hợp lệ.

3.4. Văn bằng, chứng chỉ hợp lệ có giá trị trong toàn khóa học, trừ trường hợp học viên cao học gia hạn (thời hạn chứng chỉ ngoại ngữ tính từ ngày thi đến ngày nộp hồ sơ đề nghị bảo vệ luận văn).

3.5. Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với nghiên cứu sinh các CTĐT tiến sĩ được quy định tại khoản 8, Điều 9 của Quy chế 3638. Nghiên cứu sinh phải đáp ứng điều kiện về ngoại ngữ và nộp minh chứng khi nộp hồ sơ dự tuyển.

  1. Kinh phí

 4.1. ĐHQGHN cấp kinh phí cho việc biên soạn, thẩm định đề cương các học phần ngoại ngữ theo kế hoạch, nhiệm vụ hàng năm được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.

4.2. Kinh phí giảng dạy học phần ngoại ngữ thuộc khối kiến thức chung trong CTĐT thực hiện theo phân bổ giữa Trường ĐHNN và các đơn vị đào tạo theo quy định của ĐHQGHN.

4.3. Căn cứ tình hình thực tế, các đơn vị đào tạo có thể phối hợp với ĐHNN xây dựng chương trình và mở các lớp học phần ngoại ngữ tự nguyện (cơ bản, nâng cao hoặc chuyên ngành) dành cho người học có nhu cầu. Học phí tự nguyện theo định mức do Trường ĐHNN quy định sau khi được ĐHQGHN thẩm định, thông qua.

  1. Tổ chức thực hiện

5.1. Các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN phối hợp với Trường ĐHNN để thực hiện và phổ biến rộng rãi Hướng dẫn này đến sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.

5.2. Trung tâm Quản trị đại học số điều chỉnh, bổ sung chức năng phần mềm quản lý đào tạo cho phù hợp với các Quy chế đào tạo và Hướng dẫn này.

5.3. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng từ khóa QH-2022 trở đi. Đối với sinh viên, học viên khóa QH-2022 đã được đơn vị đào tạo công nhận đạt CĐR ngoại ngữ và sinh viên, học viên các khóa từ QH-2021 trở về trước áp dụng theo Hướng dẫn số 297/HD-ĐHQGHN ngày 03 tháng 02 năm 2017, Công văn số 846/ĐHQGHN-ĐT ngày 01 tháng 4 năm 2021 và Công văn số 4116/ĐHQGHN-ĐT ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Giám đốc ĐHQGHN. Những quy định khác trái với Hướng dẫn này đều bãi bỏ.

5.4. Trường hợp đặc biệt, phát sinh trong quá trình thực hiện, các đơn vị báo cáo Giám đốc ĐHQGHN xem xét quyết định./.

>>> Tải văn bản hướng dẫn số 1011/HD-ĐHQGHN bao gồm các phụ lục tại đây