Bộ hỏi đáp (Q&A) Tuyển sinh đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
Bộ hỏi đáp (Q&A) Tuyển sinh đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
- Trường ĐHNN-ĐHQGHN tổ chức thi tuyển đào tạo thạc sĩ mấy đợt?
Trường tổ chức thi 2 đợt: đợt 1 vào tháng 4 và đợt 2 vào tháng 9
- Nhà trường tuyển sinh đầu vào thạc sĩ theo mấy hình thức?
Có 2 hình thức thi là thi tuyển và xét tuyển thẳng.
- Nhà trường có mở lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Ả Rập không ?
Hiện nay nhà trường chưa đưa chương tình đào tạo thạc sĩ ngành ngôn ngữ Ả Rập. Các chuyên ngành tuyển sinh bao gồm: Ngôn ngữ Anh, Lí luận và phương pháp dạy học Bộ môn Tiếng Anh, Ngôn ngữ Nga, Lí luận và phương pháp dạy học Bộ môn Tiếng Nga, Ngôn ngữ Pháp, Lí luận và phương pháp dạy học Bộ môn Tiếng Pháp, Ngôn ngữ Trung Quốc, Lí luận và phương pháp dạy học Bộ môn Tiếng Trung Quốc, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc
- Chương trình đào tạo thạc sĩ của trường kéo dài trong bao lâu?
Thời gian đào tạo là 02 năm theo hình thức đào tạo chính quy tập trung.
- Học phí cho toàn bộ khóa học là bao nhiêu?
Học viên cao học đều phải đóng học phí theo quy định của Nhà nước. Mức thu cụ thể sẽ được thông báo theo hướng dẫn thu học phí hàng năm của Trường Đại học Ngoại ngữ.
- Điều kiện để được xét tuyển thẳng đào tạo thạc sĩ là gì?
– Về bằng tốt nghiệp trình độ đại học: đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
+ Tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng hạng Khá trở lên trong thời hạn 12 tháng (tính đến thời điểm nộp hồ sơ) thuộc các CTĐT sau đây của ĐHQGHN: tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (được nhà nước đầu tư), các CTĐT đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín (AUN-QA, ABET…) hoặc các tổ chức kiểm định của Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận (đối với khóa tuyển sinh còn trong thời hạn) (danh sách các CTĐT xem tại phụ lục 11 Thong báo tuyển sinh SĐH);
+ Tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng hạng Giỏi trở lên trong thời hạn 12 tháng (tính đến thời điểm nộp hồ sơ) các CTĐT chuẩn của ĐHQGHN;
Điểm thưởng về thành tích nghiên cứu khoa học (xem quy định tại điểm b của mục này) có thể được cộng thêm vào điểm trung bình chung tích lũy toàn khóa của thí sinh để xét tuyển thẳng.
– Về năng lực ngoại ngữ: thí sinh nộp minh chứng về trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của CTĐT tại thời điểm nộp hồ sơ. Đối với CTĐT yêu cầu năng lực ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, thí sinh chưa có minh chứng về trình độ ngoại ngữ có thể đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ trong cùng đợt tổ chức thi TSSĐH của ĐHQGHN (việc đăng ký và tổ chức thi môn Ngoại ngữ thực hiện theo quy định hiện hành).
- Điều kiện để được dự thi đào tạo thạc sĩ là gì?
– Về văn bằng: Thí sinh cần đáp ứng điều kiện sau:
+ Có bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ các hệ đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, bằng do nước ngoài cấp) ngành đúng, ngành phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng kí dự thi; ngành gần với ngành, chuyên ngành đăng kí dự thi (áp dụng đối với ngành Đông Phương học chuyên ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Trung Quốc học đã có chứng chỉ bổ túc kiến thức do Trường Đại học Ngoại ngữ cấp cho thí sinh đăng ký dự thi vào các chuyên ngành Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Trung Quốc). Các đối tượng có văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp kèm theo văn bản công nhận của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT.
– Về chính sách ưu tiên: Người dự thi thuộc đối tượng ưu tiên (gồm cả người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên) được cộng vào kết quả thi 10 điểm cho môn ngoại ngữ (thang điểm 100) nếu không thuộc diện được miễn thi ngoại ngữ và cộng 01 điểm (thang điểm 10) cho môn thi cơ bản
– Các điều kiện khác: Thí sinh cần có Lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành án hình sự, kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và có đủ sức khoẻ để học tập.
- Thi tuyển thạc sĩ gồm bao nhiêu môn thi?
Có 3 môn thi:
- Môn cơ bản;
- Môn cơ sở (năng lực sử dụng ngôn ngữ) (thi 02 phần, phần 1: Đọc hiểu, Từ vựng – Ngữ pháp, Viết luận; phần 2: Vấn đáp)
- Môn Ngoại ngữ thứ 2
- Môn Ngoại ngữ thứ 2 tôi được chọn những ngôn ngữ nào?
Có. Thí sinh chọn sẽ thi một trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc Ả Rập.
- Điều kiện để được miễn thi môn Ngoại ngữ 2 là gì?
Thí sinh được miễn thi nếu đảm bảo 1 trong các điều kiện sau:
– Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành;
– Có bằng tốt nghiệp đại học chương trình tiên tiến theo Đề án của Bộ GD&ĐT về đào tạo chương trình tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam hoặc bằng kĩ sư chất lượng cao (PFIEV) được ủy ban bằng cấp kĩ sư (CTI, Pháp) công nhận, có đối tác nước ngoài cùng cấp bằng hoặc bằng tốt nghiệp đại học chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo chất lượng cao của ĐHQGHN;
– Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài;
– Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam: bậc 3 đối với chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuẩn ĐHQGHN, bậc 4 đối với chương trình thạc sĩ liên kết quốc tế do ĐHQGHN cấp bằng, bậc 5 đối với chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuẩn quốc tế. Chứng chỉ ngoại ngữ có giá trị trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày thi đến ngày đăng kí dự thi thạc sĩ và được cấp bởi cơ sở được ĐHQGHN công nhận.
- Hồ sơ dự thi đào tạo Thạc sĩ gồm những gì?
- Phiếu đăng ký dự thi/ xét tuyển cao học năm 2021 (có mẫu).
- Sơ yếu lý lịch (viết năm 2021 có xác nhận của nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú).
- Bản sao công chứng Bằng tốt nghiệp đại học và Bảng điểm đại học.
- Các giấy tờ pháp lý xác nhận đối tượng ưu tiên (nếu có).
- Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Hàn bậc 5/6 trở lên (nếu thuộc ngành phải học bổ túc tiếng Hàn).
- Bản sao chứng chỉ bổ túc kiến thức (nếu thuộc ngành phải học bổ túc).
- Bản sao công chứng văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2 (nếu có).
- Giấy chứng nhận sức khỏe do một bệnh viện đa khoa cấp (còn thời hạn trong vòng 12 tháng).
- Công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định hiện hành về việc đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự thi/ dự tuyển là công chức, viên chức).
- 02 phong bì có tem, ghi rõ họ tên và địa chỉ, điện thoại người nhận thư.
- 02 ảnh 4 x 6 (có ghi tên và ngày tháng năm sinh, nơi sinh sau ảnh) để trong 1 phong bì ghi thông tin giống sau ảnh.
- Tất cả các giấy tờ trên cho vào túi hồ sơ khổ 28 x 32 (phát hành tại Khoa SĐH). Không nhận hồ sơ thiếu các giấy tờ cần thiết như quy định ở trên. Không hoàn trả hồ sơ đã nộp.
- Điểm chuẩn hàng năm của trường là bao nhiêu?
Điểm chuẩn được xác định căn cứ trên chỉ tiêu đào tạo được giao và bằng cách tính tổng điểm thi các môn (trừ Ngoại ngữ thứ 2) của từng thí sinh từ cao nhất trở xuống cho từng ngành, chuyên ngành cho đến khi đạt chỉ tiêu.
- Nhà trường có tài liệu hướng dẫn ôn thi cho thí sinh dự thi không?
Thí sinh có thể xem đề cương và dạng thức đề thi của các môn thi trong hồ sơ thi tuyển mua tại P102, nhà A3, khoa Sau đại học.
- Cách thức đăng kí dự tuyển là gì?
- Bước 1: Truy cập vào cổng đăng kí tuyển sinh sau đại học của ĐHQGHN tại địa chỉ http://tssdh.vnu.edu.vn và thực hiện đăng ký dự thi/ dự tuyển trực tuyến theo hướng dẫn.
- Bước 2: Nộp bản cứng Hồ sơ dự thi/dự tuyển trực tiếp tại Khoa Sau đại học – Trường ĐHNN – ĐHQGHN.
- Lệ phí thi là bao nhiêu và tôi có thể nộp ở đâu?
Lệ phí xét tuyển /dự thi/ dự tuyển đối với bậc đào tạo Thạc sĩ là 420.000 đồng. Thí sinh nộp ở Phòng 202 nhà A1, Phòng Kế hoạch – Tài chính, Trường ĐHNN – ĐHQGHN, trước khi nộp Hồ sơ tại Khoa Sau đại học.
- Bao giờ có danh sách phòng thi, và xem danh sách đó ở đâu?
- Danh sách thi sẽ có trước ngày thi từ 3-5 ngày.
- Thí sinh xem danh sách phòng thi, số báo danh và địa điểm thi tại địa chỉ http://saudaihoc.ulis.vnu.edu.vn mục Tuyển sinh (Trường không gửi giấy báo dự thi), hoặcdùng tài khoản đã được cấp truy cập vào địa chỉ tuyển sinh http://tssdh.vnu.edu.vn.
- Tôi bị sai ngày sinh trên danh sách thi thì đến phòng ban nào để sửa?
Nếu phát hiện sai sót, thí sinh cần báo ngay cho Hội đồng Tuyển sinh sau đại học tại địa chỉ P102 nhà A3, hoặc theo số điện thoại (024)-66806770 trước ngày tổ chức thi tuyển/ xét tuyển.
- Cấu trúc môn thi cơ bản như thế nào?
- Thời gian: 120 phút
- Số lượng câu hỏi: 6
- Các lĩnh vực kiểm tra/đánh giá: theo CTĐT đại học hiện hành:
+ Phần 1: Lí thuyết: chiếm 50% tỉ trọng bài thi, bao gồm kiến thức cơ bản và năng lực tư duy về Ngôn ngữ Anh ở mức độ biết và hiểu (trong thang năng lực tư duy của Bloom).
+ Phần 2: Thực hành: chiếm 50% tỉ trọng bài thi, bao gồm kiến thức cơ bản và năng lực tư duy về Ngôn ngữ Anh hoặc về Lí luận & phương Anh dạy học Bộ môn Tiếng Anh ở mức độ áp dụng, phân tích, và tổng hợp (trong thang năng lực tư duy của Bloom).
- Thang điểm: 100 (4 câu 20 điểm và 2 câu 10 điểm)
- Hình thức câu trả lời: tự luận, có độ dài tối đa 200 từ.
- Bài thi môn Ngoại ngữ 2 là trắc nghiệm hay tự luận?
Bài thi có dạng trắc nghiệm, gồm 100 câu trong 120 phút.
- Tôi là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, thì phải nộp những gì để được quyền ưu tiên điểm thưởng?
Bạn phải nộp giấy xác nhận được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hoá học.
- Trong hồ sơ dự tuyển tôi có cần nộp bằng đại học bản gốc không?
Không. Bạn chỉ cần nộp bản sao công chứng Bằng tốt nghiệp đại học và Bảng điểm đại học và đối chiếu bản gốc kh nhập học.